[Trăm năm] Chương 3

Chương 2 | Mục lục | Chương 4


Lúc mười lăm tuổi, ta cao vọt lên rất nhanh, chẳng mấy chốc đã cao bằng Giang Chi Hằng mười bảy tuổi.

Cái đầu trọc lốc của ta lúc mới tới thôn Lang Thủy cũng mọc thêm được ít tóc rồi.

Thời điểm ấy Giang Chi Hằng không đến trường tư nữa, y bắt đầu quậy loạn muốn đến một trường học xa hơn nhưng lần đó bà chủ Giang lại không hề nhượng bộ với đứa con trai bảo bối này, chỉ mời một tiên sinh ở trường tư tới dạy.

Lúc ấy ta thường bị Giang Chi Hằng kéo đi nghe giảng cùng.

Về chuyện này, bà chủ Giang rất không vui. Và ngay cả ta cũng không hề vui, ta không thích đọc sách luyện chữ, so với mấy cái này ta càng thích lăn lộn trên đồng ruộng đầy cỏ dại hơn.

Trước sự phản đối của bà chủ Giang với việc ta học cùng, Giang Chi Hằng nói với mẫu thân mình: “Hiện tại con học ở nhà, nhưng chỉ một mình nghe giảng thôi thì rất áp lực. Cả ngày chỉ mặt đối mặt với tiên sinh và sách có thể khiến tư duy trở nên trì độn.”

Bà chủ Giang không có biện pháp gì, đành phải nhượng bộ, đồng ý để ta mỗi tháng có một phần ba thời gian bồi Giang Chi Hằng học.

Cũng chính một năm đó, ta biết được rất rất nhiều chuyện xưa trong sách từ chỗ y, cũng học được cả cách viết tên mình và y.

Khớp ngón tay trắng muốt của Giang Chi Hằng cầm một cây bút màu đen, viết tên ta lên giấy.

Y hỏi ta: “Đông Chân, sao cậu tên là Đông Chân?”

Ta đáp lời: “Sư phụ em nói rằng nhặt được em vào mùa đông, trong miếu lại được bày bố theo chữ ‘chân’ (真) nên mới gọi như vậy.”

“Cậu không có họ sao?” Giang Chi Hằng nhìn ta hỏi.

Ta nghĩ nghĩ một chút rồi nói: “Em họ Đông đó.”

Ta đang định hỏi Giang Chi Hằng vấn đề y vừa hỏi mình: “Thiếu gia, sao cậu lại tên là Giang Chi…” Thì bỗng bị một người đàn bà cắt ngang.

“Tên của thiếu gia là để cho ngươi gọi sao?”

Ta nhìn qua cửa sổ thấy người đàn bà kia, đó là bà vú của Giang Chi Hằng khi còn nhỏ.

Bà ta làm bộ ho khan, cố ý chỉnh đốn ta. Nô tính đã khắc sâu vào xương cốt của bà ta.

Giang Chi Hằng cười nói: “Bà vú à, cậu ấy không gọi đâu!”

“Thiếu gia, nó vừa sắp định gọi đó.” Bà vú ngoài cửa sổ trợn mắt trừng ta.

Ta sầm mặt đóng cửa sổ hướng ra sân lại.

Người đàn bà thấy ta đóng cửa sổ lại, ngay lập tức cả gan, thò đầu vào trong phòng: “Thiếu gia, tôi tới đây để mượn lương, tiện đường tới thăm cậu, dù gì cậu cũng uống sữa của tôi mà lớn lên, tôi tới nhìn cậu chút.”

Ta với Giang Chi Hằng đều đã rất quen với hành động kiểu này của bà vú, nhưng y cũng không cảm thấy chán ghét, mang theo sự lễ phép đi tới cửa, y cười nói: “Bà vú, cháu khỏe lắm, bà cũng khỏe nhé.”

Bà vú nghe thấy Giang Chi Hằng nói vậy, quả thực giống như nghe con trai mình nói, cười tươi một tiếng rồi rời đi.

Ta thấy người đàn bà kia đi rồi, mới tiếp tục câu hỏi khi nãy bị chặn ngang: “Thiếu gia sao lại có tên đó?”

Giang Chi Hằng vừa đi tới kệ sách tìm thứ gì đó vừa nói: “Mẫu thân ta nói, bởi vì phụ thân ta lúc còn sống hy vọng ta sẽ không đoản mệnh giống mình, hy vọng ta có thể sống lâu thêm một chút.”

Y lấy ra một quyển sách trông rất mới: “Cơ mà, ta ngược lại cảm thấy, phụ thân ta hy vọng ta mỗi khi làm chuyện gì đều có thể giữ vững được sự kiên trì bền bỉ.”

Ta không biết chữ, không hiểu những câu chữ kia cất chứa những ngụ ý gì.

Ta hỏi: “Kiên trì bền bỉ là gì?”

Giang Chi Hằng đáp: “Nghĩa là vững chí.”

Ta cười cười: “Cái này em biết.”

Từ nhỏ Giang Chi Hằng đã ngoan ngoãn, trong nhà lại không có anh chị em chơi đùa với mình, vậy nên những ngày ở cùng ta, y bắt đầu nổi chút tính phản loạn.

Những ngày không phải bồi y học bài, ta sẽ đi chăn trâu, hồi ấy trâu trong thôn Lang Thủy đều là của Giang gia.

Sáng sớm ta phải vội vàng dắt trâu bò đi ăn cỏ, đến trưa thì được nghỉ chốc lát, tới chiều lại vội vàng dẫn tụi nó xuống sông.

Những ngày hè nóng nực, Giang Chi Hằng thích nhất là xuống sông chăn trâu bò với ta.

Ta lùa cả đàn xuống sông, để tụi nó tự do ăn cỏ hoặc là ngâm mình trong nước. Ta nằm dưới tán liễu râm mát, Giang Chi Hằng nằm bên cạnh.

Y nói một vài chuyện xưa trong sách cho ta, còn ta thì sẽ nói cho y hôm nay trong núi đã gặp những con thú hoang gì, hoặc là thấy quả dại gì, song ta lại chưa từng mang cho y xem mấy thứ đó.

Chúng ta chia sẻ cho nhau những điều nhìn thấy trong một ngày, chia sẻ cho nhau thế giới nho nhỏ của chính mình.

Sau này nhớ lại, có thể nói đó là thời gian vô tự lự nhất trong cuộc đời của ta.

Xu hướng phản loạn của Giang Chi Hằng có dấu hiệu tăng lên.

Có một hôm, y nói dối bà chủ Giang, lừa ta cùng đi tới ngôi miếu trên núi Cửu Long.

Khi ấy sư phụ ta đã mất, ngôi miếu trở nên rách nát, xung quanh tượng Phật bám đầy mạng nhện, mọi thứ đều bị bao phủ bởi lớp bụi thật dày.

Hôm đó Giang Chi Hằng chẳng màng thể diện gì, khấu đầu quỳ lạy trước tượng Phật, trông cực kỳ thành tín.

Y bái xong liền yên tĩnh ngồi trên bậc thang đá dưới mái hiên.

Lúc ấy đang là mùa hè, ta đứng trong khoảnh sân hồi nhỏ mình từng hay bắt dế, thấy gió thổi tung mái tóc, khiến cho khuôn mặt y trở nên mơ hồ giữa làn gió hè.

Giang Chi Hằng vẫy vẫy tay với ta, ta đi tới chỗ y, rất tự nhiên ngồi xuống bậc thang thấp hơn.

Y kéo cánh tay ta: “Cậu ngồi lên trên đi, không thì nói chuyện kiểu gì? Ta không cúi đầu nói chuyện với cậu đâu, cậu cũng không cần phải ngẩng đầu nói chuyện với ta.”

Ta bị lời này của y làm cho sửng sốt. Là từ lúc nào? Từ lúc nào loại nô tính này đã bất tri bất giác ngấm vào trong máu thịt ta… Ta trầm mặc thật lâu.

Giang Chi Hằng thấy ta không nói gì, chỉ đơn giản chủ động trượt xuống một bậc thang.

Y nói: “Ta sai rồi, ta không nên bảo cậu ngồi lên trên, đáng ra ta phải ngồi dịch xuống.”

Ta kinh ngạc ngẩng đầu nhìn y, bỗng nhận ra ánh mắt mình đang ngơ ngác. Bởi vì thật lâu, thật lâu sau, ta vẫn không thể dời mắt khỏi khuôn mặt kia.

Hôm đó trở về, chân Giang Chi Hằng bị đau. Y không quen đường đi trên núi, bọn ta đành nghỉ một chút rồi ta cõng y về Giang gia.

Bà chủ Giang quỳ trước bàn thờ tổ tiên trong nhà chính, tức đến cả người run rẩy.

Tất nhiên là bị ta chọc tức.

Bà chủ Giang một mức chắc chắn là do ta xui khiến thiếu gia đi núi Cửu Long, vừa xông lên dùng roi trúc thực thi gia pháp đánh ta vừa chửi ầm lên: “Ai cho ngươi dẫn nó đi? Ai cho ngươi dẫn nó đi hả!?”

Giang Chi Hằng cố gắng khuyên can mẫu thân mình, liều mạng ôm hết tất cả trách nhiệm về phía mình. Tất nhiên, trên thực tế đây vốn là trách nhiệm của y, nhưng ta lại chẳng thể minh oan một câu cho chính mình.

Hôm đó ta bị đánh rất thảm, trên mặt chỗ đỏ chỗ tím, gần như phải tập tễnh bước về phòng ngủ.

Bị một người đàn bà đánh đến thảm như vậy, ta chỉ có thể tự nhủ rằng, bà đang lo cho con trai bảo bối của mình, nếu không đã không đánh ta thảm như vậy.

Sau chuyện này ta dần dần giữ khoảng cách với Giang Chi Hằng, không còn học bài với y nữa. Về chuyện này, ta thực sự rất vui, nhưng trừ chuyện này ra, chẳng rõ tại sao lòng ta lại bốc lên ngọn lửa bực bội vô danh.

Ta dần dần trưởng thành thành một cậu trai trẻ, còn Giang Chi Hằng thì khoác trên người đồng phục của một ngôi trường trong huyện thành khi ta mười tám tuổi, màu đen, rất vừa người. Ta không nói rõ được tâm tình, căn bản là do ta không hiểu, ta và y từ trước tới nay vẫn luôn là người của hai thế giới.

Một người là chủ tử, một kẻ là đứa ở.

Cuối cùng ta lại ý thức được điều này một lần nữa.

Tới tuổi mười tám, ta nhìn ảnh ngược của bản thân trong làn nước sông trong trẻo, gần như bị chính mình dọa sợ.

Dáng vẻ lớn lên của ta cũng có thể coi là rắn chắc, nhưng khuôn mặt lại dần dần trở nên cứng ngắc đờ đẫn. Ta bĩu môi, gượng nở một nụ cười tươi với mặt nước dập dềnh, thế mà nụ cười kia cũng mẹ nó khó coi.

Một ngày nọ, ta như thường lệ chăn trâu chăn bò ở con sông nhỏ trong thôn Lang Thủy, chính tại đó ta gặp được Giang Chi Hằng. Y mặc đồng phục màu đen, khí khái khôn tả.

Ta gọi y: “Thiếu gia.”

Thật ra ta có thể giả vờ không trông thấy y, song vẫn muốn gặp y, loại mâu thuẫn khó chịu này làm ta bực bội, thế là ta gọi y.

Ta lại tìm cho mình một cái cớ: “Ngài ở đây làm gì? Đây không phải nơi ngài nên tới.”

Y đáp: “Ta tới xem cậu.”

Ta không nói gì, chỉ nằm xuống dưới bóng râm mát mẻ của cây liễu cao lớn cằn cỗi, bên cạnh bờ sông mọc đầy cỏ xanh.

Giang Chi Hằng tự nhiên ngồi bên cạnh ta, cách ta rất gần.

Ta cảm thấy bứt rứt không thôi, nhưng ta không thể biểu lộ cảm xúc này ra,  loại cảm xúc vì y mà nảy sinh.

Ta nói: “Mặt đất bẩn lắm, quần áo của ngài bẩn hết rồi, thiếu gia à.”

Ta nằm bên cạnh song không nhìn thấy vẻ mặt y, chỉ nghe thấy tiếng y vang lên: “Đông Chân, xin lỗi.”

“Sao?” Ta hơi không hiểu lý do y xin lỗi.

Y lập tức nhắc đến chuyện ta bị đánh đòn thay mình.

Ta bứt một cọng cỏ dài trên đỉnh đầu, ngậm trong miệng, làm ra dáng vẻ bất cần: “Em đã sớm quên chuyện đó rồi, hơn nữa, em chịu trận thay ngài cũng đúng tình hợp lý, ngài là chủ của em mà.”

Ta bắt đầu cố ý nhắc nhở mối quan hệ bất bình đẳng giữa các giai cấp trước mặt y, ta muốn nói với y rằng không nên đi quá đà mà chạm vào sự bất bình đẳng này, giữa ta và y vĩnh viễn chẳng thể có sự công bằng được.

Nhưng thật ra trong thâm tâm ta không nghĩ như vậy. Lòng ta có một bí mật, một bí mật vọng tưởng điên rồ, một bí mật được định sẵn là trơ trẽn khôn cùng.

Ta nghiêng nghiêng đầu, trước mặt là bàn tay Giang Chi Hằng chống trên cỏ. Ngón tay ấy thật đẹp đẽ, ta nghĩ thầm.

Đẹp đến nao lòng, đẹp đến nỗi khiến lòng ta đắm chìm vô tận. Cả đời ta cũng chẳng thể xứng với một đôi tay như vậy, cho dù có tìm một người phụ nữ, cũng không thể có một đôi tay sánh bằng.

Mùa đông năm ấy, ta làm xong công việc của một ngày, bỗng bà chủ Giang lạnh mặt gọi ta vào phòng thu chi, bà đưa cho ta một túi tiền lớn, ta cũng không tính được tổng chỗ tiền đó là bao nhiêu.

Bà nói: “Ngươi cũng lớn rồi, nên thành gia đi. Đây là tiền công mấy năm nay của ngươi, ngươi đi đi.”

Ta nhớ những đồng bạc đó, dọc đường đi ta còn nghe được tiếng leng keng va đập vào nhau của chúng nó trong túi.

Thời điểm ra khỏi cửa, ta nhìn thoáng qua tòa lầu gỗ của Giang gia lần cuối cùng. Nhìn nơi đó, ta thấy cả Giang Chi Hằng đang đứng dưới mái hiên nhìn mình, trên đỉnh đầu y vừa khéo treo một chiếc đèn, ánh đèn màu da cam phủ lên khuôn mặt y, ta phảng phất cảm nhận được sự đau thương quạnh quẽ trên khuôn mặt ấy.

Sau khi rời khỏi Giang gia, ta liền tới nhà thợ mộc Lý cùng ở trong thôn Lang Thủy để học nghề. Không trả công nhưng bao ăn bao ở.

Học nghề cùng ta còn có một người nữa tên Lưu Tam tới từ thôn Song Hỏa, nhưng ta cần cù hơn hắn, điều này không thể nghi ngờ, ngay cả ta cũng cảm thấy như vậy, thợ mộc Lý tự nhiên cũng thích ta hơn.

Thợ mộc Lý có một đứa con gái, nàng ta là người câm, người gầy da lại vàng vọt. Song lại có một đôi tay rất lớn, nàng ta luôn luôn nghiêm túc làm việc, ở nhà xe chỉ dệt vải, nấu cơm giặt quần áo, lên núi xuống đồi có thể gánh được hơn một trăm cân (1) củi.

(1) 1kg Trung Quốc = 0,5kg bình thường; 100 cân Trung Quốc = 50 cân bình thường.

Còn ta thì rất cần cù chăm chỉ. Sau gần một năm làm việc ở đây, thợ mộc Lý gọi ta vào phòng, nghi thần nghi quỷ nhìn ngó xung quanh rất nhiều lần rồi mới nói với ta: “Đông Chân à, ta với cậu thương lượng một chuyện.”

Ta hỏi ông chuyện gì.

Ông nói: “Chuyện con gái ta.”

Ngay lập tức ta hiểu ra. Nhưng ta không nghĩ tới chuyện cưới Lý Tú Phân, tạm thời ta vẫn chưa muốn cưới vợ.

Ta không nói gì, sự trầm mặc dường như đã trở thành phản ứng từ trước tới nay của ta.

Thợ mộc Lý vỗ bả vai ta: “Cậu suy xét cẩn thận đi.”

Suy xét cái chân ông ấy, ta không muốn suy xét.

Nhưng tới cuối cùng ta vẫn cưới Lý Tú Phân, bởi vì ta lỡ nhìn thấy nàng ta đang tắm. 

Ta lỡ làm hại đến sự trong trắng của người ta rồi, cũng chỉ có thể cưới về làm vợ thôi. Nhưng sau đó ta lại biết được rằng, người vấy bẩn sự trong trắng của nàng ta không phải ta.

Thời điểm cưới vợ, bởi vì thiếu lương thực trầm trọng nên ta phải đi một chuyến tới Giang gia.

Giang Chi Hằng lúc này đã bắt đầu quản lý chuyện trong nhà, vậy nên khi tới Giang gia, người ta gặp được cũng chính là y.

Ta ăn mặc chẳng có chút trang trọng gì, những gia đình nghèo khó như chúng ta rất khó có thể thể hiện sự trang trọng qua cách ăn mặc. Nhưng ta không chỉ không trang trọng mà ngay cả một bộ quần áo sạch sẽ cũng không thay, mặc nguyên bộ quần áo vá xiên vá xẹo dính đầy vụn gỗ đi gặp Giang Chi Hằng.

Ta không biết y đã làm chủ quản, khuôn mặt y so với thời còn học tại huyện thành dường như tịch mịch hơn, y mặc quần áo kiểu Tây, cái này gần như không xuất hiện ở chỗ chúng ta.

Ta cảm thấy bản thân lại càng không cất nổi lời.

Cuối cùng Giang Chi Hằng đánh vỡ sự trầm mặc, y hỏi ta: “Đông Chân, cậu khỏe chứ?”

Ta cười nói: “Thiếu gia, tôi khỏe lắm.”

“Cậu không cần gọi ta là thiếu gia nữa.” Y đứng dậy khỏi ghế, đổ chén trà lạnh đi, “Uống miếng nước đi.” Y cầm chén trà đưa cho ta, “Cậu đã không còn là đứa ở trong Giang gia nữa rồi, không cần gọi ta như vậy nữa.”

Ta vội vàng đứng lên, cẩn thận nhận lấy chén trà kia: “Nhưng ngài là người cao quý, tôi không thể khinh nhờn.”

Ta nói như vậy, nói một ít lời hơi không ra thể thống gì, nhưng ta nghĩ y nhất định sẽ hiểu.

Y không khăng khăng tranh luận cách xưng hô của ta với mình nữa, chỉ hỏi: “Sao cậu tới đây vậy?”

Bị y hỏi, dường như ta vừa tỉnh giấc.

Ta tới đây để mượn lương thực và vải vóc, vì ta sắp cưới vợ rồi.

Lòng ta rối bời, nhưng không muốn để lộ điểm yếu của mình, ta đành nói lưu loát: “Tôi tới mượn lương thực và vải vóc, thiếu gia, sắp tới tôi sẽ cưới vợ.”

Giang Chi Hằng “ồ” một tiếng thật dài, sau đó gật đầu, nhìn sắc mặt thì dường như trong lòng y có chuyện gì đó nặng nề lắm.

Ta buông chén trà kia xuống.

Không đợi ta mở miệng, Giang Chi Hằng đã hỏi: “Cậu muốn mượn bao nhiêu?”

Ta nhìn đôi mắt y, khuôn mặt y lại là sự tĩnh mịch, dường như khi nãy giữa chúng ta chưa từng nói qua lời gì.

Cuối cùng y sai người hầu đưa lương thực với vải vóc đã được kiểm kê cho ta, ta ấn dấu vân tay đỏ tươi lên bản biên lai mượn đồ bất bình đẳng kia.


Hết chương 3

Chương 2 | Mục lục | Chương 4

[Trăm năm] Chương 2

Chương 1 | Mục lục | Chương 3


Chi Hằng mất khi mới hai mươi bảy tuổi, đó là vào mùa đông của bảy mươi lăm năm về trước.

Mà lần đầu gặp y, ta chỉ mới mười ba tuổi.

Đó cũng là vào một mùa đông.

Khi đó ta còn đang ở chùa Cửu Long trong miếu Cửu Long làm hòa thượng. Hôm đó giữa bầu trời mênh mang xám xịt, từng bông tuyết chỉ to bằng móng tay lửng lơ bay lượn, ta đứng dưới hành lang dài bên ngoài ngôi miếu, nhìn màn tuyết trắng xóa cắn nuốt ngọn núi, không nhịn được mà rùng mình.

Ta chỉ mặc một chiếc áo khoác bông dành cho tăng nhân màu xám đã rách tung tóe, ở góc áo lòi ra mấy miếng bông đã vàng ố không chịu nổi, còn chân thì mang một đôi giày rơm không có gót.

Đương lúc ta ngắm tuyết thì sư phụ gọi một tiếng, giọng của người thực sự rất nghiêm túc, làm ta thoạt nghe còn tưởng là mình đã làm sai chuyện gì, chột dạ đi vào thiện phòng với người.

Cũng do ta là một hòa thượng chẳng làm cho người khác bớt lo, sư phụ ta toàn bảo ta như vậy.

Có khi người hỏi ta: “Đông Chân đâu, lu nước trong viện còn đầy không?”

Mà lúc đó, ta hướng mông lên trời, ghé vào một góc tường trong miếu, bắt được một con dế.

Ta nói: “Con đi gánh liền đây.” Nhưng vẫn tiếp tục bắt dế.

Có khi ta đả tọa trong thiền phòng, song tâm vẫn chẳng thể tĩnh tại được. Sư phụ ta không chỉ đả tọa cùng mà còn muốn tụng kinh. Ta nghe mấy tiếng líu ríu ẩm ương loạn bảy nát tám đó là lòng chẳng hiểu sao lại cảm thấy nóng nảy.

Sư phụ là một tăng nhân sùng đạo, một lòng hướng Phật, Phật chính là chân lý duy nhất của người. Vậy nên ta biết, người sẽ không bao giờ mở to mắt khi tụng kinh.

Nhưng ta thì khác, tuy được sư phụ nhặt ở dưới chân núi không bao lâu sau khi ra đời, nhưng lòng ta không có Phật, bản thân ta rất rõ điều này. Cho dù ta gánh nước ở đây ngày này qua ngày khác, chẻ củi, đả tọa, thỉnh thoảng cũng tụng kinh, lòng ta vẫn chẳng  có Phật.

Về việc này bản thân ta cực kỳ minh bạch.

Ta luôn nhân lúc sư phụ dốc lòng tụng kinh, trộm mở mắt ra, nhìn cánh cửa gỗ tuổi đời trên tám mươi năm bên ngoài thiện phòng sớm đã bong hết lớp sơn mài đỏ, trong lòng bỗng dậy lên cảm giác trống vắng khó hiểu.

Ta không sùng đạo, cho nên dù Phật có ở đây, hay là ở bốn phương tám hướng thì trong lòng ta, vẫn luôn là cảm giác hoang vắng.

Hôm đó sư phụ gọi ta đến thiện phòng, vuốt chòm râu hoa râm, nói với ta: “Đông Chân à, vi sư không còn sống được bao lâu nữa.”

Lúc người nói câu này, ánh mắt vẫn luôn nhìn ra ngoài cửa. Ta nương theo ánh mắt người, chỉ thấy dãy núi trùng điệp, sơn sắc xanh thẳm, như đang phiêu diêu giữa gió tuyết, chờ đợi để sống lại.

Ta chợt định thần lại, hỏi: “Sao ạ?”

Sư phụ vẫn như ngày thường, không yên lòng mà lắc đầu.

“Con thu dọn đồ đạc một chút, ta đưa con đi.” Sư phụ quay đầu về phía ta, ngữ khí mang theo sự trấn an, “Con yên tâm, đó là chỗ tốt.”

Kỳ thực ta cũng không cảm thấy bất an gì cả, nhưng sư phụ vẫn trấn an ta. Về phần này quả thật ta có làm thế nào cũng không giống người được. Ta không tín Phật, còn sư phụ ta, giữa chốn chùa miếu thênh thang này, là người gần Phật nhất.

Ta chỉ im bặt không nói gì, đi ra thiện phòng, đứng một lúc dưới hành làng dài bên gió tuyết. Ta nhớ mình đã hít sâu mấy hơi, rồi mới đi vào tăng liêu (nhà của nhà sư) thu dọn hành lý.

Sư phụ ta hình như đã nhiễm bệnh. Người mới ngoài ngũ tuần, trên đường đi xuống núi lại ho sù sụ khiến người ta nghe mà sợ. Ta bỗng nhiên nghĩ đến chòm râu hoa râm của người, một người mới năm chục mà lại có chòm râu của kẻ tám chục… Ta càng thêm chắc chắn rằng người bị bệnh.

Dọc đường đi sư phụ ho càng ngày càng nặng, đột nhiên lòng ta sợ hãi, sợ người sẽ chết trên con đường này.

Lúc chúng ta đi ngang qua thôn Song Hỏa thì thấy một cái chuồng bò rách nát, ta liền nói rằng nghỉ chân tạm ở đó đã. Sư phụ ta có vẻ rất vui mừng, người ngồi trên một tảng đá lớn trong chuồng bò, nở nụ cười hiền từ.

Ta lấy một ống trúc đựng nước từ trong bọc quần áo ra đưa cho sư phụ. Người cầm lấy, khuôn mặt vẫn là nụ cười hiền từ như trước, nhấp mấy ngụm trà nguội để nhuận họng.

Sư phụ nghỉ ngơi thoải mái được một lúc thì bỗng nói: “Tháng trước, trong miếu có một bà lớn họ Giang từ thôn Lang Thủy tới xin ta một việc.”

“Việc gì ạ?” Ta làm bộ tò mò hỏi sư phụ.

Thật ra ta không có hứng thú gì với chuyện của bà chủ Giang, chỉ là nghĩ đến việc sắp phải rời xa sư phụ, lòng ta lại dâng lên nỗi mất mát nên đã phá lệ hỏi người chút chuyện.

Sư phụ nói: “Bà chủ Giang nói với ta, khi cha mình còn sống đã tìm người bói mệnh, mệnh chỉ rõ nhà bà ấy đoản mệnh ba đời. Bà chủ Giang vốn không tin, nhưng chồng bà đã mất năm năm, dưới gối cũng chỉ có một đứa con trai. Con trai dần dần lớn lên nên gần đây bà bỗng nhớ ra chuyện đoản mệnh, bởi vậy mới tới miếu cầu xin ta giúp.”

Sư phụ nói tới đây thì hơi ngừng lại.

Ta không hiểu lời người, bèn hỏi: “Con trai của bà chủ Giang đã mất sao?”

Sư phụ nghe ta hỏi liền lắc đầu: “Ngày thường ta bảo ngươi viết thêm hai chữ, chép thêm hai mặt kinh thư ngươi đều không làm, luôn lén chạy ra sau núi để lười nhác. Bây giờ ta nói với ngươi những lời này, vậy mà ngươi nghe không hiểu.”

Sư phụ xoa xoa tay, giải thích: “Bà chủ Giang sợ rằng con trai mình đầu xanh mà đã ra đi nên mới đến miếu để tìm biện pháp.”

“Ồ.” Ta hỏi, “Vậy người đó sống có tốt không?”

Sư phụ nói: “Không, y sống không tốt.”

Ta khó hiểu, hỏi: “Sao y lại sống không tốt? Y đã chết đâu?”

Sư phụ lại nói: “Có lẽ vì y sắp chết nên bà chủ Giang mới đến miếu cầu Phật, muốn ta tìm cách phá chú.”

“Người có không?” Ta nghiêm túc hỏi.

“Không có.”

Sư phụ ta nói xong hai chữ này, nhưng có vẻ đã dự liệu trước mà nở một nụ cười: “Nhưng vi sư nghĩ tới ngươi nên sẽ tìm cách cho họ.”

Đối với lời này của sư phụ, ta không nghe hiểu mấy câu nhưng dám chắc rằng nó có liên quan đến việc ta xuống núi.

Sư phụ ta vỗ vỗ bắp chân mình, bỗng nhiên nghiêm mặt nói: “Đông Chân, vi sư sống không được lâu nữa. Song lòng ta còn nhớ ngươi, trước đó ta có nói cho bà chủ Giang, chú này có là do tổ tông của Giang gia làm điều ác, muốn phá chủ thì phải làm việc thiện, đại thiện.”

Ta bỗng nhiên ngộ ra: “Con hiểu rồi, sư phụ, người muốn để con tới nhà bọn họ.”

Sư phụ vỗ nhẹ cái đầu trọc lốc của ta: “Đúng rồi.”

Chúng ta rời khỏi thôn Song Hỏa tiếp tục lên đường.

Đi tiếp qua một ngọn núi, tới thôn Lang Thủy.

Ta đứng ở cửa thôn, nhìn xa xa thấy ngôi nhà to nhất, thấy tòa lầu gỗ khí phái nhất trong thôn.

Sư phụ chỉ vào tòa lầu kia, nói với ta: “Đông Chân, ngươi nhìn phía đó, đấy chính là Giang gia.”

Thời điểm bà chủ Giang tiếp kiến sư phụ ta, vẻ mặt ôn hòa, váy áo chỉn chu. Con trai bà đứng ở bên cạnh, cũng mặc một bộ quần áo rất đẹp.

Lần đầu gặp mặt Chi Hằng, ta chỉ nhớ y mặc đồ rất đẹp. Trừ điều này ra cũng chỉ nhớ mang máng lúc đó y cao hơn ta nửa cái đầu, và cả khí chất văn nhã như có như không tỏa ra nữa.

Nhưng Giang Chi Hằng cũng không thể xem là một văn nhân hoàn toàn, đó là cái nhìn ta tích lũy được sau những tháng ngày chung đụng.

Ngày đó sư phụ ta ăn một chén cơm chay ở Giang gia, ta cũng ăn một chén.

Người ăn xong, vỗ bả vai ta, nói với ý vị sâu xa: “Đông Chân à, về sau con không cần phải tuân theo giới luật của Phật pháp, con hoàn tục rồi.”

Ta biết mình không đi theo con đường hướng Phật được, vậy nên rất nhanh đã chấp nhận sự thực này.

Nhưng sư phụ đi rồi, ta vùi đầu trong chăn đệm ẩm mốc Giang gia cấp cho hạ nhân khóc thật lâu.

Hôm sau, ta thành thư đồng của Giang Chi Hằng.

Toàn bộ những tháng ngày sau đó, sáng sớm mùa đông ta đều để chân trần hoặc đi dép rơm chọn hòm đựng sách cho Giang Chi Hằng đi học, mà y thì ngồi gật gà gật gù trong xe ngựa suốt cả đường đến trường.

Có một hôm trời đổ tuyết, Giang Chi Hằng nhất quyết đòi đi bộ đến trường.

Bà chủ Giang cực kỳ yêu thương con trai mình, thấy không làm gì y được bèn yêu cầu ta phải cực kỳ cẩn thận để ý đến an nguy của y.

Ta chọn hai chiếc hòm đựng sách nặng cồng kềnh, cõng trên lưng đi phía sau Giang Chi Hằng. Sau khi mang hòm đựng sách đến trường, ta lấy lưỡi liềm đã chuẩn bị sẵn từ trong hòm ra, buộc bên hông, leo lên mấy ngọn đồi dốc trơn trượt để cắt cỏ cho trâu bò.

Cắt cỏ xong thì quay về chăn trâu chăn bò, chăn xong rồi thì lại chạy đến trường trước giờ Thân (15 – 17h) để đón Giang Chi Hằng và cõng hòm sách kia.

Đường đi về phải băng qua một đoạn đường lớn, ngày đó Giang Chi Hằng bỗng nhiên quay người lại, ta thấy y dừng lại cũng dừng theo.

Y hỏi: “Sáng nay ta thấy cậu lôi lưỡi liềm ra từ hòm đựng sách, cậu cầm nó đi làm gì?”

“Cắt cỏ, thưa thiếu gia.” Ta đúng sự thực nói.

“Không phải cậu là thư đồng của ta sao? Sao còn đi cắt cỏ?”

“Em là thư đồng của cậu, cũng là đứa ở trong Giang gia.”

“Lúc sư phụ cậu đưa cậu tới đây không nói như vậy.” 

“Sau đó Giang thái thái có nói lại.” Ta với y trầm mặc giây lát.

Ta không chịu nổi sự trầm mặc này, đang định bước chân đi tiếp.

Y đột nhiên kinh ngạc hỏi: “Sao cậu lại xỏ giày rơm?”

Ta trả lời với giọng điệu bình thường: “Bọn em đều xỏ giày rơm cả.”

Y đáp: “Nhưng ta không xỏ.”

“Đúng vậy.” Ta nói, “Cậu là thiếu gia nên được xỏ giày bông.”

“Cậu lạnh không?” Y hỏi.

Bốn mùa chỉ có một đôi giày, đối với người nghèo mà nói, câu này không hề điêu toa. Mùa đông ta vẫn luôn xỏ giày rơm, thậm chí bốn mùa cũng đều như vậy. Cho dù đã quen nhưng chân vẫn cóng muốn chết, nhưng ta nghĩ y muốn giễu cợt mình nên đành cắn răng, lắc đầu trả lời: “Không lạnh.”

Giang Chi Hằng không nói gì chỉ giơ một chân lên, ta lại càng chắc nịch rằng y đang muốn khoe khoang trước mặt mình. Nhưng thật ngoài ý muốn, y lại cởi giày bông vớ lụa ra, chân trần đứng trên mặt đất toàn bùn tuyết.

Mu bàn chân Giang Chi Hằng rất trắng.

Ta nhìn hai chân y bị tuyết tan đọng lại trong bùn dính phải, y nhảy dựng lên, nhe răng nói với ta: “Cậu lạnh.”

Ngày hôm sau, Giang Chi Hằng ném cho ta đôi giày hai lớp vải đen.

Ta xỏ giày mới, mấy đứa ở khác trong Giang gia nhìn thấy lần nào cũng nói lời lẽ chua ngoa chọc khích ta.

Điều này khiến ta không có tí cảm kích nào, ngược lại nói với Giang Chi Hằng: “Thiếu gia, giờ em có một đôi giày vải nhưng còn rất nhiều đứa ở khác trong nhà ngài, vẫn như cũ xỏ giày rơm làm việc.”

Giang Chi Hằng nghe vậy, khuôn mặt như chạm trổ, chẳng nhìn ra được cảm xúc gì.


Hết chương 2

Chương 1 | Mục lục | Chương 3

[Trăm năm] Chương 1

Mục lục | Chương 2


Đông Chân thực sự sống đến một trăm tuổi.

Kẻ đồng lứa với hắn trong thôn đã xuống mồ từ lâu, còn nhóm vãn bối cũng đều thành những ông lão bà lão mái đầu hoa râm rồi, thậm chí sức khỏe của vài người còn không được tốt bằng hắn.

Ngày Đông Chân tròn trăm tuổi, trong thôn tổ chức hẳn mấy bàn tiệc rượu chúc thọ hắn. Địa điểm được chọn là sân thể dục trước một ngôi trường bỏ hoang trong thôn.

Trời hôm đó vừa âm u vừa lạnh giá, như thể sẽ có tuyết rơi bất cứ lúc nào.

Nhưng Đông Chân rất phấn chấn, hắn cảm thấy cặp chân khô héo của mình giờ đây lại như tràn ngập năng lượng. Ngày đó hắn không nhớ đã đứng dậy nâng bao nhiêu chén, nói bao nhiêu câu.

Hắn không bỏ qua cho bất cứ ai tới chúc thọ mình.

Bọn họ thấy Đông Chân đến gần liền cười nói: “Đông Chân! Chào ông!”

“Chào cậu.”

Họ chỉ hàn huyên đôi câu, nhắc đến tiệc chúc mừng cuối năm, Đông Chân bỗng nhiên nói: “Tôi muốn rời đi, tôi sống đủ lắm rồi.”

Nhưng dường như không ai nghe thấy hắn nói, bọn họ vẫn đang chìm đắm trong bầu không khí nhộn nhịp kia.

Giữa chốn mừng vui hoan náo, Đông Chân thu lại gương mặt tươi cười, hắn nói với một vãn bối: “Lão già này mệt rồi, đi về trước đây.”

Vãn bối chỉ gật gật đầu, không định tiễn Đông Chân đi, hắn liền một mình về trước.

Đông Chân về nhà, nằm xuống chiếc giường gỗ mục nát đã bầu bạn cũng mình suốt mấy thập  niên. Hắn cảm thấy lớp rơm rạ trải trên giường rất mềm mại, cảm thấy cái gối da te tua thoải mái vô cùng.

Hắn mệt, mệt vô cùng, vì vậy bèn nhắm mắt lại.

Đông Chân biết mình sắp chết, không phải là mệt nhọc, mà là chết.

Đương lúc hấp hối sắp chết, Đông Chân nhớ đến người kia từng nói hắn nhất định phải thọ đến trăm năm.

Nhưng hắn cảm thấy mình thật ra cũng chỉ sống có sáu mươi năm thôi, còn lại bốn mươi năm kia, là hắn sống thay người đó.

Như vậy tính ra, ngươi kia đã sống sáu mươi bảy năm, chắc chắn là vậy, hắn không tính sai.

So với hắn, Chi Hằng mất muộn bảy năm, còn nếu không phải vậy thì sẽ rất bất bình đẳng.

Chi Hằng thường hay nói về sự bình đẳng với Đông Chân, nhưng hắn cảm thấy hai người chỉ có duy nhất một lần bình đẳng mà thôi.

Vậy nên, hắn luôn muốn vẽ lại một bức tranh bình đẳng cho Chi Hằng.

Hắn đã từng nhìn thấy Chi Hằng chết, nên bây giờ hắn cũng muốn Chi Hằng nhìn mình chết.

Sau bảy mươi lăm năm, lần bình đẳng thứ hai này, cuối cùng cũng tới.


Hết chương 1

Mục lục | Chương 2

[BE] Trăm năm


Tên khác: Bách niên

Tình trạng bản gốc: Hoàn thành (9 chương)

Tình trạng bản edit: Tối đa là nửa năm nữa sẽ xong

Nguồn QT: Wikidich đại đại

Raw: Tấn Giang

Edit: Lộc Vừng

Beta: Husky

Bản edit được thực hiện phi lợi nhuận với sự giúp đỡ của từ điển Hán Việt, app Hanzii, Baidu, Baike và nhiều sự trợ giúp khác nữa.


Lời dông dài

  • Số chữ Trung chủ nhà biết không đủ để nhét kẽ răng vậy nên bản edit chỉ đảm bảo sự chính xác 70 – 80%. Mong mọi người thông cảm.
  • Để thấy chú thích mọi người hãy bấm luôn vào đoạn chứa chú thích. Ví dụ.
  • Truyện ngược nhẹ nhàng, ngược đau lòng, ngược thực tế. Nhìn tổng thế đều khá ổn nhưng kết khá hụt (đối với mình), nhưng vẫn đúng logic. Công thụ đều yêu nhau, ngược do hoàn cảnh, không phải do hai người.
  • Các chương màu xanh là các chương chưa beta nhé.

Link Inkitt


Note: Edit chưa có sự đồng ý của tác giả. Vui lòng KHÔNG REUP, KHÔNG CHUYỂN VER, KHÔNG LÀM AUDIO.


Văn án: Thời khắc nhắm mắt xuôi tay, Đông Chân nhớ về những ngày ở thôn Lang Thủy và chuyện xưa với Giang Chi Hằng.

Thể loại: Nguyên sang, đam mỹ, cận đại, BE, tình cảm, niên hạ, chủ công, đoản văn, bình dân sinh hoạt, yêu sâu sắc.

Couple: Niên hạ đứa ở công (Đông Chân) ⨯ Đoản mệnh thiếu gia thụ (Giang Chi Hằng).

Mô tả truyện:

  • Ngôi thứ nhất chủ công.
  • Kết BE, đừng nhầm hố.
  • Bối cảnh nửa hư cấu.

Một câu tóm tắt: Chi Hằng, sau này ai sẽ chôn ta đây?


Mục lục

001002003

004-005-006

007-008-009

Hoàn toàn văn

 

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia